0   0   182  

Yêu thích và chia sẽ nội dung này với bạn bè

Mô tả

Các yêu cầu của kiến trúc

sắc dân tộc, để sao chúng có thể như đã thâm nhập vào máu thịt của mình, có thể biến được thành bản lĩnh tay nghề trong lúc sáng tác.

Tóm lại nội dung và hình thức của kiến trúc tuy thay đổi theo từng giai đoạn phát triển của lịch sử, của thời đại song vẫn cần bảo lưu tính liên tục truyền thống tức là cần có sự kế thừa sâu sắc nền văn hóa của dân tộc.

Môi dân tộc rõ ràng đều có phong tục tập quán sinh hoạt riêng, truyền thống văn hóa riêng cũng như kinh nghiệm về xây cất, các giải pháp kiến trúc riêng của mình, cho nên thật dễ hiểu cũng ở các nước thuộc khí hậu nóng ẩm, nhưng kiến trúc Cuba khác với kiến trúc Mêhicô, kiến trúc Việt Nam khác kiến trúc Indonesia. Ngay cả trong thời kỳ hiện đại, khi kiến trúc rất dễ bị “quốc tế hóa” nhưng tính dân tộc cũng đã được phản ánh rõ nét trong kiến trúc một số nước như Mêhicô, Nhật Bản, Brasil, Trung Quốc, các quốc gia Hồi giáo Trung Đông, Ấn Độ. Đó là nhờ sự thành công trong sáng tạo của một số kiến trúc sư lớn và tài năng của các nước đó rất đáng được ngưỡng mộ và tôn trọng.

1.2.1.   Các yêu cầu của kiến trúc                                                                                              I

Kiên trúc luôn gắn chặt với chất lượng cuộc sống xã hội và vì hạnh phúc con người nên nó cũng phát triển theo tiến trình lịch sử văn minh loài người. Tác phẩm kiến trúc ra đời là nhằm đáp ứng những nhu cầu quan trọng và cấp thiết của con người, của xã hội. Đó là: thích dụng, vững bền, mỹ quan và kinh tế – 4 yêu cầu phổ quát của kiến trúc.

Bốn yêu cầu trên cũng chính là phương châm sáng tác kiến trúc của hầu hết mọi thời đại. Tác phẩm kiến trúc có giá trị thì trước hết phải đạt được các mục đích: sử dụng tốt, an toàn, đáp ứng nhu cầu vật chất ngày càng cao của con người, mặt khác còn phải thỏa mãn các đòi hỏi về tinh thần tức khoái cảm thẩm mỹ, sự hạnh phúc thụ cảm nghệ thuật của xã hội, nhưng cũng phải phù hợp với điểu kiện kinh tế đất nước.

1.2.2.1.     Yêu cầu thích dụng

Bất cứ một công trình kiến trúc nào cũng phải đáp ứng được nhu cầu quan trọng nhất đó là sự thích dụng, tức là sinh hoạt phù hợp, tiện lợi tạo sự thoải mái có hiệu suất cho việc sử dụng và khai thác của con người. Yêu cầu thích dụng thường rất đa dạng bởi hoạt động của con người vốn rất phong phú: ăn ở, học tập, nghiên cứu, quản lý, lao động, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí, nuôi dạy con trẻ, chữa bệnh, đi lại mua bán v.v… Yêu cầu thích dụng hoàn thiện dần và thay đổi theo từng giai đoạn tiến hóa lịch sử xã hội cùng với sự tiến bộ của khoa học – kỹ thuật, đời sống kinh tế (cơ sở vật chất) và tinh thần của xã hội. Yêu cầu thích dụng tất nhiên còn phụ thuộc vào phong tục tập quán lối sống của từng dân tộc, vào đời sống tâm linh tức hệ thống tôn giáo tín ngưỡng ở từng vùng, từng tộc người, từng quốc gia.

Để đảm bảo được yêu cầu thích dụng, khi thiết kế công trình kiến trúc phải chú ý:

– Bố cục mặt bằng đảm bảo được dây chuyền hoạt động hợp lý nhất sao cho đường đi lại liên hệ giữa các không gian vừa hợp với trình tự cần thiết vừa ngắn gọn, không chồng chéo, lãng phí diện tích.

–  Kích thước các phòng phù hợp với yêu cầu của dây chuyền hoạt động, thuận tiện cho việc bố trí đổ đạc, trang thiết bị bên trong gọn gàng đẹp mắt, an toàn sử dụng, tận dụng hợp lý diện tích…

–  Tùy theo mức độ sử dụng của từng loại phòng, cần đảm bảo điều kiện vệ sinh và các nhu cầu tâm lý sinh học (đủ ánh sáng, thông hơi, thoáng gió, chống ồn, chống nóng tốt, cấp nhiệt đủ về mùa đông để tạo môi trường tốt) tránh được những bất lợi của điều kiện khí hậu nhằm tạo cho lao động an toàn và sinh hoạt thoải mái.

– Đảm bảo mối quan hộ hợp lý và sự hài hòa của công trình với môi trường, của cân bằng sinh thái, phát triển bền vững.

1.2.2.2.    Yêu cầu bền vững

Công trình kiến trúc từ nhỏ đến lớn, từ đơn giản đến phức tạp, là đơn chiếc hay quần thể được xây dựng lên đều đòi hỏi hao phí nhiều sức người và vật chất. Vì vậy hoạt động của con người trong công trình kiến trúc không những phải thuận tiện có hiệu quả mà mặt khác còn phải an toàn trong sự tồn tại lâu bền trước mọi điều kiện tác động và ảnh hưởng của con người và tự nhiên.

Độ vững bền của công trình bao gồm:

–  Độ vững chắc của cấu kiện chịu lực.

–  Độ ổn định của công trình (hệ thống kết cấu bên trên và nền móng).

–  Độ bền lâu của công trình (kéo dài tuổi thọ, chống được những hao mòn vật chất và tinh thần).

+ Độ vững chắc của cấu kiện chịu lực: Công trình kiến trúc được tổ hợp bằng nhiều loại cấu kiện chịu lực để chịu các loại tải trọng tác động vào đồng thời hoặc không cùng một lúc. Tải trọng đó là: tải trọng tĩnh tức trọng lượng bản thân kết cấu vật liệu hoặc tải trọng do người và thiết bị, tải trọng do điều kiện tự nhiên, khí hậu thời tiết như gió, động đất…tác động. Yêu cầu là cấu kiện đó không bị phá hủy hoặc bị biến dạng quá lớn.

Độ vững chắc của công trình phụ thuộc vào tính nặng cơ lý của vật liệu, sự lựa chọn kích thước của cấu kiện đảm bảo khả năng chịu lực của nó với độ an toàn cần thiết.

+ Độ ổn định của công trình: Là khả năng chống lại các ngẫu lực mômen, lực xoắn uốn không đều, lực cắt hay các biến dạng khác như độ võng, độ nghiêng lệch.. làm mất an toàn có tác động bất lợi vào từng cấu kiện hay toàn công trình. Độ ổn định này được bảo đảm bằng độ ổn định của nền và móng, giải pháp liên kết của hộ thống cấu trúc, sơ đồ làm việc hợp lý của kết cấu, cấu tạo và sự liên kết giữa các bộ phận cột tường và sàn nền nhằm tạo nên độ cứng cần thiết của toàn công trình. Tùy theo quy mô phương thức tác dụng của các ngoại lực, nội lực và cũng phụ thuộc vào độ thanh mảnh vững chắc của các bộ phận cấu kiện của nhà mà có giải pháp tạo liên kết và độ ổn định thích ứng (khớp nối, ngàm cứng…).

+ Độ bền lâu của công trình: Là thời gian mà hệ thông kết cấu, các cấu kiện chịu lực, các chi tiết cấu tạo chủ yếu của công trình vẫn làm việc trong điều kiện an toàn bình thường. Độ bền lâu hay tuổi thọ của công trình phụ thuộc vào tính chất cơ lý của vật liệu xây dựng cùng việc tính toán chính xác kích thước cấu kiện, chọn giải pháp liên kết áp dụng cho hệ kết cấu, biện pháp bảo vệ từng cấu kiện và các mối liên kết để đáp ứng được mọi dạng hoạt động của con người cũng như chống lại được sự xâm thực của môi trường tự nhiên đối với công trình kiến trúc (như mối mọt, mục gỉ…)- Như vậy nó cũng 1 có nghĩa là độ vững chắc, độ ổn định và sự toàn vẹn kết cấu của nhà sẽ đảm bảo được trong thời gian dài, có khả năng chống lại với tính lỗi thời công nghệ và già hóa vật liệu của công năng nói chung. Yêu cầu này đảm bảo trước tiên đến an toàn khai thác sử đụng, sau đến hiệu quả kinh tế – xã hội của sự đầu tư.

1.2.2.3.   Yêu cầu mỹ quan

Karl Marx đã nói: “Loài người sáng tạo thế giới theo nguyên tắc đẹp”. Thực vậy, từ khi có xã hội loài người thì ngoài việc đấu tranh để sinh tồn, phát triển thỏa mãn nhụ cầu vật chất, con người còn khao khát đòi hỏi hưởng thụ tinh thần hay mĩ cảm, khao khát hướng tới cái chân, thiện, mỹ, cái cao cả hoàn thiện… Vậy cái đẹp vốn cần có trong mọi lĩnh vực của thế giới môi sinh và kiến trúc sư là người sáng tạo ra công trình cũng phải làm cho kiến trúc hòa vào khung cảnh, không thể không làm đẹp thêm cảnh quan.

Chất lượng thẩm mỹ của từng ngôi nhà hoặc của một quần thể kiến trúc có thể có tácl động tích cực đến khả năng truyền cảm nhân văn, giáo dục tư tưởng, làm phong phú thế giới tinh thần của con người. Song không phải công trình hoặc tổ hợp công trình nào cũng cần đạt tới trình độ hình tượng nghệ thuật có khả năng cao như thế, mà chỉ nên có ở những tổ hợp công trình hoặc quần thể kiến trúc có quy mô to lớn về mặt kinh tế mang ý nghĩa văn hóa hay xã hội như kiến trúc tượng đài, các công trình văn hóa cộng cộng tiêu biểu mang tầm cỡ quốc tế hay quốc gia mà thôi.

Cái đẹp trong tác phẩm kiến trúc cũng như cái đẹp trong lĩnh vực nghệ thuật không phải là một giá trị bất biến, mà nó sẽ thay đổi theo sự phát triển văn minh của loài người. F. Hegel đã nói: ” Cuộc sống vươn lên phía trước và mang theo cái đẹp hiện thực của nó như dòng sông chảy mãi”. Cái xưa cho là đẹp nay có thể bị xem như rườm rà là phô trương, giả tạo. Hôm nay cái được xem như là độc đáo, tân kỳ, hấp dẫn chưa chắc, đã là lý tưởng thẩm mỹ cúa cả con cháu thế hệ tương lai… Tuy nhiên, kiến trúc sư đừng quá câu nệ vào những lý thuyết quan niệm và chuẩn mực khô cứng về cái đẹp bất biến và không thể thực hiện được. Cái đẹp đích thực trong tác phẩm kiến trúc là điều có thể đạt được và vô cùng cần thiết. Để đạt được nó đòi hỏi người thiết kế phải trau dồi kiến thúc để biết phân tích, phải vận dụng năng khiếu thẩm mỹ kết hợp với hiểu biết khoa học kỹ thuật. Có phương pháp sáng tác đúng mang dấu ấn cá nhân, kiến trúc sư mới thực sự tạo ra được tác phẩm độc nhất vô nhị, làm đẹp cho môi trường sống mà con người đang hoạt động trong đó, đang muốn tô điểm cho nó ngày càng đẹp hơn.

1.2.2.4.   Yêu cầu kinh tế

Công trình kiến trúc được xây dựng và đưa vào sử dụng không chỉ phải trải qua quá trình lao động nghiêm túc với sự tìm tòi rất công phu và giàu hiểu hiểu biết trí tuệ của nhiều người thiết kế. Đồ án kiến trúc còn đòi hỏi sức lực và bàn tay khéo léo của nhiều thợ lành nghề khi thi công xây dựng, còn phải huy động khá nhiều công sức, tiền của của xã hội và các vật liệu trang thiết bị cũng là khoản chi phí xã hội rất tốn kém. Vì vậy khi thực hiện một công trình kiến trúc cần có ý thức tiết kiệm, luôn phải coi trọng vấn đề kinh tế, theo tinh thần phương châm “nhanh, nhiều, tốt, rẻ”. Điều này cũng có nghĩa là khi giải quyết về các chức năng, nhiệm vụ tức là xác định kích thước, hình dáng, quy mô, thành phần phòng, cấp nhà và mức độ trang trí tiện nghi của nhà… người thiết kế phải xuất phát từ những nhu cầu có thực, hợp lý và những nhu cầu này phải phù hợp với khả năng của xã hội, với trình độ kinh tế kỹ thuật đất nước. Công trình thực sự có ý nghĩa kinh tế xã hội phải là mục tiêu phấn đấu của người xây dựng cho nên cần nhận thức được chỉ một nét vẽ thiếu cân nhắc đã có thể gây lãng phí rất lớn cho xã hội, không thể khắc phục sửa chữa dễ dàng. Yêu cầu kinh tế còn đảm bảo sự phát triển bền vững, 9 tạo môi trường sống có sự cân bằng sinh thái.

 

"Súc vật chỉ nhào nặn ra thước đo và nhu cầu của giống loài của nó, còn con người thì có thể sản xuất theo thước đo của bất cứ giống nào và ở đâu có thể áp dụng thước đo thích dụng cho mọi đối tượng, do đó con người cũng có thể nhào nặn vật chất theo quy luật của cái đẹp (C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin, 1977, tr. 17).

 

---------------------------------

 http://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/tu_thuc_tien_kien_truc-4.html

Bàn về các yếu tố thẩm mỹ trong kiến trúc đô thị

Lương Bửu HoàngTạp chí Khoa học xã hội
02:34' CH - Thứ sáu, 04/05/2007

Trong suốt chiều dài lịch sử, từ khi loài người biết lấy hang đá để ở, cho đến kiến trúc hiện đại ngày nay, nơi cư trú của con người diễn ra trong những chặng đường thiên hình vạn trạng, những tầng nấc muôn màu, muôn vẻ cho ta thấy bất cứ ở một nền văn minh nào, "nơi ăn chốn ở" là một trong những hoạt động sống rất quan trọng của con người, bởi thông thường chưa "an cư" thì chưa "lạc nghiệp".

Thật vậy, gắn liền với lịch sử từng quốc gia, từng cộng đồng, kiến trúc có vai trò và chức năng to lớn đối với đời sống xã hội. Kim tự tháp thời cổ đại như một công cụ chứng tỏ uy lực thần quyền và vương quyền trước thần dân nô lệ. Đền đài, lăng tẩm Hy Lạp cùng những pho tượng thần, anh hùng, lực sĩ có thể ví như những khúc ca thần diệu... Thánh đường gothique với những mái vòm và cửa sổ kính màu rực rỡ... Những ngôi nhà chọc trời, ngọn tháp vươn cao như biểu tượng của nền văn minh hiện đại... đã làm cho cuộc sống con người biết bao thay đổi.

Trong bối cảnh chung đó, vấn đề thẩm mỹ trong kiến trúc đô thị rất cần được đặt ra để đáp ứng nhu cầu sống của con người, tạo nên cái đẹp của đô thị trong quá trình phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên đây là vấn đề hết sức rộng và càng phức tạp hơn khi đặt nó trong bối cảnh đô thị hóa bởi còn mới mẻ. Do vậy, bài viết không đi tìm câu trả lời cho mọi vấn đề, mà chỉ đề cập vài khía cạnh từ đó thử rút ra một vài giải pháp như một hướng tiếp cận giữa lý luận và thực tiễn của vấn đề.

Thẩm mỹ trong cuộc sống con người

Khái niệm thẩm mỹ có ngoại diên rất rộng, phản ánh cái chung vốn có trong tự nhiên, xã hội, vật chất và tinh thần. Trong quá trình hoạt động lao động của thực tiễn xã hội với sự tham gia tích cực của ý thức, con người cải tạo hiện thực và thế giới chung quanh mình. C.Mác viết: "Súc vật chỉ nhào nặn ra thước đo và nhu cầu của giống loài của nó, còn con người thì có thể sản xuất theo thước đo của bất cứ giống nào và ở đâu có thể áp dụng thước đo thích dụng cho mọi đối tượng, do đó con người cũng có thể nhào nặn vật chất theo quy luật của cái đẹp (C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin, 1977, tr. 17).

Tiền đề trên giúp cho chúng ta hiểu rằng nguồn gốc các khái niệm thẩm mỹ luôn xuất phát từ thực tiễn. Thật vậy, các yếu tố thẩm mỹ không thể thiếu trong mọi dạng hoạt động thực tiễn của con người. Trong giao tiếp các yếu tố thẩm mỹ được biểu lộ qua giao tiếp. Nhờ giao tiếp con người có thể củng cố và tăng cường thông tin được truyền đi mặt khác con người có được sự thỏa mãn thấm mỹ bởi bản thân quá trình giao tiếp. Trong sản xuất, các yếu tố thẩm mỹ được biểu lộ như một nguyên tắc nhất thiết phải tính đến khi xây dựng những giá trị vật chất từ diện mạo, màu sắc, hình dáng, chất liệu của vật phẩm, thậm chí cả mối tương quan giữa các bộ phận của vật phẩm được sản xuất. Tất nhiên, điều quyết định vẫn không loại trừ ý nghĩa sử dụng những vật phẩm nhàm đáp ứng một mục đích thực tế nhất định.

Xét một cách toàn diện, có thể nói các yếu tố thẩm mỹ không thể tách rời được quá trình hoạt động của con người, nó vừa là kết quả của hoạt động thực tiễn nhận thức, phương thức nhận thức, phương tiện phản ánh thế giới vừa tác động trở lại nâng cao cuộc sống con người. Nói như M. Kalinin: "... kể từ việc rửa mặt cho đến đỉnh cao nhất của tư tưởng loài người" (M. Kalinin, 1947, tr. 43). Như vậy, trong phạm vi thiên nhiên thứ hai, tức các sản phẩm (vật chất - tinh thần) được con người tạo nên được xem như là kết quả của hoạt động thẩm mỹ và là sự thể hiện ý đồ thẩm mỹ trong quá trình sáng tạo.

Thẩm mỹ kiến trúc gắn liền với các loại hình nghệ thuật

Khi đi tìm những bước đầu tiên của kiến trúc, có lẽ trước hết chúng ta thường liên tưởng đến những câu chuyện mang dấu vết của cái hang, cái lều, cái nhà, thành lũy... Những hình thức đó đáp ứng nhu cầu thiết thực của đời sống hàng ngày: nơi cư ngụ, sinh hoạt và mọi hoạt động của đời sống định cư. Khi ấy, những trụ bằng đá, một bức tường thẳng, những xà đặt thành góc vuông và một cái mái tạo thành một không gian khép kín có thể đáp ứng tính hợp lý cho nhu cầu cư ngụ. Nêu một cách khái quát như trên, chúng ta nhận thấy con người cần một nơi cư ngụ nhầm thỏa mãn nhu cầu định cư. Nhưng con người trong toàn bộ đời sống của mình luôn hướng tới các mối quan hệ tổng hòa các quan hệ xã hội, trong đó nhu cầu làm đẹp cho một kiến trúc trở thành một nhu cầu tự thân. Do đó, ngôi nhà (hiểu theo nghĩa rộng tức kiến trúc) như là phương tiện để thực hiện mục đích này. Và để đáp ứng cho mục đích vươn tới cái đẹp, con người đã sử dụng các yếu tố thẩm mỹ cho kiến trúc (tạo hình, cân đối, đều đặn, hài hòa, sử dụng tiện ích...). Vậy là con người tìm cách thực hiện cái xà như một đoạn thẳng có khởi đầu và kết thúc, thanh dọc (cột) chống cái xà khởi đầu trên mặt đất và kết thúc ở trên cao, và cũng nơi đó, cái xà là một đường ngang đặt trên nó... Bản thân các yếu tố tạo hình gắn chặt với các yếu tố kết cấu của một kiến trúc, các yếu tố kết cấu đòi hỏi đường thẳng của những bức tường, cột trụ cũng đều dài như nhau, khoảng cách phân chia cũng đều ngang nhau. Đó chính là lúc cái thẩm mỹ gắn vào các kiểu thức tạo hình của kiến trúc và làm đẹp cho nó.

Như vậy, một vấn đề hết sức quan trọng của kiến trúc là luôn gắn bó với các loại hình nghệ thuật khác như hội họa, điêu khắc, trang trí ứng dụng... Sự kết hợp như vậy dẫn tới sự thống nhất mới về chất, chứ không phải đơn giản là tổng số các các yếu tố cấu thành của các loại hình nghệ thuật. Tất nhiên, tác phẩm kiến trúc không giống như tác phẩm mỹ thuật, nó cho chúng ta cảm thụ từ bên trong (không gian) và bên ngoài (hình khối), mà con người diễn giải dưới mức độ cảm thụ của mình.

Cảm xúc về không gian và hình khối là yếu tố căn bản trong cơ cấu cảm xúc về hình tượng của kiến trúc. Chẳng hạn hình khối không gian một đường thẳng, một đường nằm ngang tác động qua lại đều cho chúng ta những trạng thái khác nhau. M.F.Opshianhikov viết: "... những hình thức mạnh mẽ vươn lên cao làm cho chúng ta say sưa bay bổng, hoặc tạo nên một thế giới với hình thức khép kín, được xây dựng dồn ép lại. Nhịp điệu nhẹ nhàng, nhanh chóng đưa chúng ta vươn cao, còn nhịp điệu chậm chạp, nặng nề của các hình khối đưa chúng ta tới trạng thái tĩnh lặng" (M.F. Opshianhikov, 2001, tr. 406).

Kiến trúc không phản ánh các hiện tượng hay các mặt riêng lẻ nào đó của cuộc sống, mà là những tư tưởngchung, vừa là sự khẳng định qua công dụng thực tế của nó, vừa là các yếu tố thẩm mỹ ở cái có ích. Vì vậy khi đề cập đến khía cạnh của kiến trúc chúng ta phải bắt đầu từ chỗ công dụng thực tế và thẩm mỹ của nó.

Trong kiến trúc. xét về mặt chức năng, thì tính công dụng của kiến trúc khá nổi trội, nó thỏa mãn các yêu cầu vật chất của xã hội. Nhưng ý nghĩa quan trọng không chỉ là chức năng công dụng thực tế của từng công trình, mà còn là tính thẩm mỹ của chúng bởi những tác động tư tưởng, tình cảm về sự thỏa mãn nhu cầu của con người về cái đẹp. Và cái đẹp không phải chỉ có trong một ngôi nhà riêng biệt, mà trong cả một khu phố, một quận, một thành phố...

Như vậy, khái niệm thẩm mỹ mang ý nghĩa hết sức quan trọng khi vận dụng vào kiến trúc. Một kiến trúc không thể đứng vững khi chức năng thẩm mỹ không gắn bó chặt chẽ với chức năng có ích thực tế mà kiến trúc phải thể hiện và thực hiện. Vì vậy, thẩm mỹ của kiến trúc chỉ được xác định trong sự thống nhất cái có ích và cái đẹp. Nghĩa là, kiến trúc luôn kết hợp vận dụng hai nguyên lý: đó là tính mục đích (ứng dụng) và tính thẩm mỹ (nghệ thuật). Hai nguyên lý này, chi phối toàn bộ hình thức cơ bản và trở thành các yếu tố thống trị toàn bộ tác phẩm kiến trúc.

Thẩm mỹ kiến trúc có nguồn gốc từ đặc điểm hình thành đô thị

Đô thị là một hình thức cư trú và làm ăn của con người có từ xa xưa. Ở Châu Âu thời Trung cổ, nơi ở của các lãnh chúa phong kiến được xây dựng thành lũy pháo đài. Bên ngoài thành lũy, những người thợ thủ công, buôn bán đến tụ cư hoạt động sinh sống gọi là phố. Về sau, mỗi tụ điểm "thành" và "phố" dần phát triển lên trở thành những thành phố. Như vậy thành phố ra đời là do phát triển kinh tế công thương nghiệp. Ở Châu Á, cũng đã xuất hiện các đô thị riêng của nó, một trong số đó là đô thị thương nghiệp nông nghiệp. Loại đô thị này được hình thành khi con đường biển tạo ra mối quan hệ giữa các quốc gia ven biển. Gọi là các đô thị thương nghiệp bởi ở đó chỉ diễn ra hoạt động mua bán, dịch vụ, trao đổi hàng hóa và mang lại nguồn thu cho cư dân và chính quyền của các quốc gia này. Do đó, các đô thị thương nghiệp thường nằm ở cửa sông, cửa biển để tiện việc giao thông, giao tiếp, trao đổi, bốc dỡ hàng hóa... ở Đông Nam Á, nhiều đô thị của các quốc gia ven biển đã trở thành đô thị thương nghiệp một thời phồn thịnh như Dvaravati (một Vương quốc cổ Nam Thái Lan), Phù Nam Óc Eo (vương quốc và là thành phố cổ ở Nam Việt Nam), Champa (ở miền Trung Việt Nam). Khi con đường buôn bán chuyển sang hướng khác thì sự phồn vinh của các đô thị này cũng tàn lụi theo... (Nguyễn Tấn Đắc, 1998, tr. 67).

Ở nước ta phần lớn các đô thị Việt Nam khi xưa tuy được hình thành do hoạt động hành chính nhưng cũng đều có nguồn gốc từ một xã hội nông nghiệp chữ không phải do hoạt động công thương nghiệp. Khởi nguyên, triều đình đầu tư xây dựng cung điện, dinh thự, chuyển bộ máy quan lại, binh lính đến ở và kéotheo gia đình, họ hàng thân tộc, làng xóm cùng đến. Nơi nhà vua đóng đô có xây thành lũy gọi là đô (hoặc thành), do yêu cầu về mọi mặt phục vụ bộ máy hành chính và quân đội nên ở ngoài thành hình thành các chợ (thị) để mua bán, trao đổi, đô thị bắt đầu từ đó. Tương tự, các đô thị Hà Nội, Huế trong từng giai đoạn lịch sử với vị trí là kinh đô Việt Nam (hoặc một số các đô thị khác), nhưng vẫn là một đô thị hành chính mang tính chất tự cấp, tự túc của nền sản xuất nông nghiệp. Một đô thị đóng kín.

Sài Gòn trước kia vốn là một đô thị được hình thành không theo hường trên, mà nguồn gốc của nó là một đô thị thương nghiệp của nông nghiệp. Với vị trí địa lý nằm trong vùng chuyển tiếp giữa Đông Nam bộ và đồng bàng sông Cửu Long trù phú, điều kiện giao thông (thủy, bộ) thuận lợi, những nông dân từ buổi đầu khai hoang, mở đất đã biến các sản phẩm nông nghiệp thành hàng hóa thương nghiệp cho các quốc gia khác trong vùng. Từ đó, hoạt động mua bán nơi đây trở thành hoạt động chủ yếu, và Sài Gòn nhanh chóng trở thành đô thị thương nghiệp của nông nghiệp. Sau ngày thống nhất đất nước, Sài Gòn mang tên Thành phố Hồ Chí Minh trở thành một đô thị lớn, một đô thị với nhiều ưu thế so với các đô thị khác trong cả nước (đội ngũ khoa học kỹ thuật, nhiều ngành công nghiệp cao, sản phẩm sản xuất chiếm tỷ trọng lớn...). Thành phố Hồ Chí Minh được xem như là "đầu mối giao thông lớn, nối liền với các tỉnh trong vùng và là cửa ngõ của cả nước ra thế giới" (Viện Kinh tế, 2005, tr.1-15 ).

Thẩm mỹ kiến trúc nhà ở trong quá trình đô thị hóa

Từ khi đất nước bước sang thời kỳ mới, thực hiện chính sách mở cửa, cơ chế thị trường đã thúc đẩy nền sản xuất của đất nước phát triển mạnh mẽ và ngày càng mở rộng trên quy mô cả nước. Cùng với sự tác động mạnh mẽ của quá trình hội nhập và giao lưu quốc tế, quá trình đô thị hóa đã làm thay đổi nhiều mặt của cộng đồng xã hội. Sự thay đổi này, diễn ra theo chiều hướng thuận nghịch khác nhau của nền kinh tế nhiều thành phần, trong đó một bộ phận không nhỏ lao động nông thôn ra thành thị, kéo theo sự gia tăng dân số ở các đô thị (cả về mặt cơ học và tự nhiên), nhất là các đô thị lớn.

Riêng ở Thành phố Hồ Chí Minh, cùng với quá trình đô thị hóa, dân số của Thành phố cũng tăng rất nhanh, chủ yếu là người nhập cư. Theo số liệu tổng điều tra dân số, dân số Thành phố là 6,12 triệu người, trong đó có 1,8 triệu người nhập cư. ước tính bình quân mỗi năm có từ 40.000 đến 60.000 người di dân về thành phố. Sự thay đổi về dân số kéo theo các đô thị mới được hình thành. Nhiều vùng ven nội thành (Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh...) và ngoại thành là khu vực có quỹ đất dành cho sự phát triển, mở rộng đô thị cũng dần trở thành những đô thị mới (Nam Sài Gòn, Bắc Nhà Bè, Tây Bấc Củ Chi...) như một xu thế tất yếu để giải quyết nhà ở cho quá trình đô thị hóa của thành phố.

Dân số tăng cao, đô thị mở rộng, nhu cầu về xây dựng các công trình sản xuất, dịch vụ nhất là nhà ở đã làm cho diện mạo đô thị thay đổi từng ngày, từng giờ, mà bất cứ nhà sáng tạo nào cũng hụt hơi trước tốc độ xây dựng gần như chóng mặt của quá trình đô thị hóa. Thành phố trở thành một công trường xây dựng khổng lồ, các khu đô thị hiện hữu xuống cấp cần sửa chữa, các khu đô thị mới cần được hoàn thành để đáp ứng yêu cầu cho sự phát triển. Cùng với sự phát triển thương mại, dịch vụ, kiểu cư trú theo các trục lộ giao thông (đường thủy, đường bộ) trở nên thịnh hành. Tình hình trên đã dẫn đến sự bất cập trong kiểm soát quy hoạch kiến trúc làm cho không gian đô thị trở nên vụn mảnh, chắp vá, hỗn loạn bởi đường ngang, nét dọc. Bức tranh đô thị trở nên hỗn độn như một bảng pallete lấm màu, hệ quả là thẩm mỹ của kiến trúc đô thị bị phá vở kéo theo những bất cập về môi trường văn hóa xã hội.

Ta có thể lấy ví dụ từ đầu đường Phan Đăng Lưu (Bình Thạnh) đến cầu Thị Nghè, nhà cửa hai bên cao thấp với nhiều hình thù kỳ lạ Tam giác có, hình thang có, nhiều căn mỏng như hộp diêm, thậm chí có nhiều nhà chiều ngang 2m, chiều sâu khoảng... 1m (!). Về kiểu dáng thì hỗn độn các "trường phái", cổ có, kim có, không ít những căn có hình động như cái thang cao vút, phần mặt tiền 4m, phần mặt hậu 1m (?). Đã vậy, hai bên đường hầu hết đều là cửa hàng, cửa hiệu trang trí với nhiều bảng hiệu, bảng quảng cáo có kích cỡ to nhỏ, màu sắc sặc so với hình thức thể hiện khác nhau. Vị trí lắp đặt cũng hết sức "đa dạng", ngang có, dọc có trên cao có, dưới thấp có, mỗi một hình thức đều cố gắng tranh giành "vị trí" phô trương một cách vô tội vạ.

Một ví dụ khác, rất nhiều kiểu dáng kiến trúc lai tạp đến mức khó có thể dùng từ nào trong ngôn ngữ để diễn tả đầy đủ. Nhiều phong cách trang trí "kinh điển" độc đáo của nghệ thuật kiến trúc cùng "sống chung" trong một kiến trúc, các trường phái cổ điển - hiện đại cùng song hành đã làm cho bộ mặt rất nhiều khu đô thị lâm vào cảnh ngộ "không giống ai". Thật vậy, ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay, không ít kiến trúc mang trong nó cả lịch sử kiến trúc nhân loại. Phía trước là kiểu cột dorique, bên hông là gothique... cửa vòm, cửa vuông phối hợp hết sức tùy tiện. Tệ hại hơn là các yếu tố tạo hình của kiến trúc được chiều theo ý thích của cá nhân nhiều hơn là đặt nó trong tổng thể không gian đô thị. Bởi vậy, nhiều kiến trúc mang kiểu dáng "chết non" vừa xây xong đã thấy lỗi thời cần phải sửa hoặc lâm vào cảnh ngộ như đã nêu...

Thực trạng nêu trên cho thấy, dường như các yếu tố thẩm mỹ kiến trúc không được xem trọng ngay từ khâu quy hoạch đô thị (?) Bởi nếu coi cơ sở của quy hoạch gắn liền với thẩm mỹ thì kiến trúc nhà ở đô thị không dị hợm như hiện nay. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình hình trên nhưng dù với bất cứ lý do nào, thì các yếu tố thẩm mỹ kiến trúc đô thị đã bị xem nhẹ.

Thẩm mỹ kiến trúc các công trình công cộng

Có lẽ vấn đề công trình công cộng ở các đô thị lớn hiện nay là một vấn đề hết sức nhạy cảm, bởi tiềm năng kinh tế về mặt bằng đất đai, vị trí kinh doanh, giao thông thuận lợi... Chính từ những khía cạnh này, mà không ít nhà quản lý đô thị hiện nay nhìn nhận kiến trúc công cộng dưới góc độ cái có ích nhiều hơn là nhìn nó ở góc độ thẩm mỹ trong tổng thể không gian đô thị.

Ta cũng biết, cả hai thành tố liên hệ tác động lẫn nhau tạo ra kiểu kiến trúc cư trú đô thị là: thành tố không gian - vật chất bao gồm không gian quy hoạch, kiến trúc, cơ sở hạ tầng, môi trường sinh thái và thành tố văn hóa - xã hội (bao gồm trước hết là đặc điểm hình thành đô thị, tổ chức cộng đồng dân cư với những thiết chế đô thị được xây dựng hiện tại). Đặt cả hai thành tố trên với thực tiễn kiến trúc công cộng xem ra đều đối diện với những khó khăn gay gắt mà chưa có lời giải thỏa đáng. Chẳng hạn giải pháp lập lại trật tự vỉa hè trong thời gian gần đây là một ví dụ.

Thành phố Hồ Chí Minh, một đô thị được hình thành từ hoạt động thương nghiệp (như đã trình bày), bởi vậy, kiến trúc nhà ở hai bên đường thường có chức năng kép: mua bán (hoặc dịch vụ) và cư trú nên kiểu kiến trúc cũng đáp ứng yêu cầu này. Nhà thì cửa rộng, có không gian phía trước dành cho việc giao dịch, mua bán, chứa hàng (hoặc phía sau). Phần còn lại dành cho việc cư trú, hầu như không có chỗ đậu xe riêng. Tất cả điều đó đồng nghĩa với mọi sinh hoạt mưu sinh diễn ra khắp nơi. Vì vậy, vỉa hè như một không gian trung chuyển chức năng thứ nhất (mua bán). Người bán tiếp nhận và chuyển hàng hóa vào nhà thông qua vỉa hè, người mua cần một nơi để dừng lại mua rồi di chuyển...

Lớn hơn nữa, các sinh hoạt này vốn đã hình thành và thẩm thấu trong cộng đồng cư dân qua thời gian, không gian quen thuộc. Trong đó, vỉa hè tồn tại và mang vác tất cả những sinh hoạt, cách sống, lối sống đã được địn h hình từ kiểu đô thị thương nghiệp nông nghiệp có từ bao đời. Do vậy, vỉa hè tồn tại không chỉ có mục đích duy nhất là giao thông mà còn là phương tiện kiếm sống của cộng đồng người.

Nếu trong quá trình lao động những giá trị thẩm mỹ được hình thành, thì trong một chừng mực, vỉa hè gắn liền với việc sử dụng và "tiêu dùng " các giá trị đó. Tất nhiên, việc "tiêu dùng" các giá trị thẩm mỹ theo kiểu nào đó còn phụ thuộc vào trình độ, nội dung kiểu mẫu thẩm mỹ cũng như hình thức do xã hội đặt ra, trong đó có những trường hợp bắt nguồn từ truyền thống hoặc được nảy sinh bởi nền sản xuất và các yêu cầu thẩm mỹ hiện tại.

Thực tế, không gian vỉa hè tồn tại trong bối cảnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn đang ở những bước khởi điểm thì những hoạt động vốn có của nó cần thời gian chuyển đổi hơn là xóa bỏ một cách nhanh chóng. Bởi vậy, không ít những dằng co, tranh cãi giữa cư dân với những người thực thi công việc quản lý đô thị diễn ra hằng ngày, như một minh chứng về sự mâu thuẫn giữa quan điểm của người quản lý với cư dân ở cách xét đoán chức năng của nó. Kết quả là "trật tự mỹ quan" như mong muốn không mất đi, mà tất cả những điều đó như những dòng nước tràn xuống lòng đường với nguyên sự bề bộn của nó.

Có thể quan niệm vỉa hè (hay các kiến trúc công cộng khác) chỉ còn một công năng duy nhất (giao thông, ca nhạc, hội chợ...) còn nhiều khía cạnh để bàn. ở đây, nhìn ở góc độ thẩm mỹ kiến trúc có thể thấy rằng "mâu thuẫn" không phù hợp với đặc điểm của nó, bởi trong một kiến trúc không bao giờ là sự ức chế, mâu thuẫn giữa cái có ích và cái thẩm mỹ.

Thẩm mỹ không phải là những gì bất biến và khép kín, nó là hệ thống mở luôn dung nạp, tiếp nhận thêm nhân tố mới để làm giàu và phong phú thêm cuộc sống của con người. Thẩm mỹ trong kiến trúc đô thị không bao giờ đóng kín và cũng không bao giờ mang tính toàn cầu. Có lẽ vấn đề thẩm mỹ kiến trúc công trình công cộng ở đô thị không thể xem nhẹ các yếu tố "di sản" vốn đã định hình từ cội nguồn xa xưa của nó. Mỗi đô thị được hình thành đều có "di sản " sâu xa, nó là nhân tố đặc biệt để tạo nên bản sắc riêng của đô thị nóichung và kiến trúc nói riêng. Nghĩa là khi tái cấu trúc phải tìm ra cái gì cần lưu giữ, cái gì không giữ được, cái gì cần phát triển... Nếu chỉ nhấn mạnh đến quy luậtchung mà không chú ý đến tính đặc thù, bản sắc riêng của mỗi đô thị sẽ dẫn đến những áp đặt, duy ý chí... Cho nên sự thay đổi kiến trúc đô thị phù hợp với xu thế phát triển là điều cần thiết, nhưng những yếu tố truyền thống của đô thị cũng cần phải được đặt ra trong quá trình phát triển của nó.

Thẩm mỹ của quá tình quy hoạch đô thị

Đô thị hóa là một trào lưu không thể cưỡng lại, chính vì vậy việc đón đầu bằng quy hoạch là việc làm không thể thiếu của bất cứ nhà quản lý đô thị nào. Quy hoạch là chiến lược, là định hướng, cách quy hoạch theo kiểu "giải quyết" đáp ứng yêu cầu trước mất như hiện nay đã đẩy các yếu tố thẩm mỹ và quy hoạch đô thị vào tình cảnh rượt đuổi lẫn nhau, thậm chí triệt tiêu nhau.

Kiến trúc luôn gắn liền với thẩm mỹ đô thị, trong đó quy hoạch đô thị luôn phải đi trước nhằm đảm bảo các điều kiện về không gian, cảnh quan, môi trường kể cả nội dung kiến trúc phải cần phù hợp với từng vị trí để duy trì không gian văn hóa đô thị, chứ không phải là phân địa bàn quán lý, xây dựng một số cơ sở hạ tầng kỹ thuật, phân chia lô cho từng căn nhà rồi gọi đó là quy hoạch.

Một khi không tạo ra được cái tiện ích thì khó có thể nói tới cái thẩm mỹ. Quy hoạch đô thị chỉ có thể thành công nếu như nó mang lại cái "thẩm mỹ" hòa hợp với tất cả các hoạt động khác. Bởi vậy, quy hoạch đô thị không thể chỉ có một ngành mà nó cần sự phối hợp của nhiều người, nhiều ngành, thậm chí có những ngành không có liên quan gì đến kiến trúc đô thị như sử học, khảo cổ học, dân tộc học, thống kê... Mở một con đường phải biết nơi lịch sử nó đi qua, đặc điểm của môi trường dân cư (đã, đang và sẽ sinh sống), thậm chí cần phải biết cả những vấn đề ở dưới lòng đất... Nói một cách chung nhất, các yếu tố thẩm mỹ là nền tảng cho mọi chiến lược quy hoạch và kiến trúc đô thị. Không nắm vững nó, không hiểu nó các yếu tố thẩm mỹ đô thị sẽ bị phá hủy và các chính sách quản lý cũng sẽ bị triệt tiêu.

Ngày nay, trên thế giới nhất là các quốc gia có nền kinh tế phát triển, thẩm mỹ kiến trúc trong đô thị có thể xem là vấn đề không thể thiếu của bất cứ một kiến trúc đô thị nào. Sự hình thành và phát triển đô thị ở nước ta hiện nay tuy có những đặc điểm riêng (miền núi, đồng bằng...) nhưng không có sự khác biệt quá lớn về văn hóa, lối sống cộng đồng (tôn giáo, dân tộc...). Đây cũng là một lợi thế hết sức quan trọng để thiết lập các dạng kiến trúc đô thị vừa mang đặc trưng riêng vừa gắn kết với các yếu tố chung của nền văn hóa dân tộc. Tất nhiên, trong chiến lược phát triển không thể bỏ quy luật chung, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Cái quan trọng là những giải pháp ấy phải bất đầu từ thực tế để định ra những hình thức, bước đi, biện pháp phù hợp với mỗi vùng, mỗi địa phương, mỗi đô thị.

Xã hội càng phát triển, nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao, thì vai trò thẩm mỹ kiến trúc ở đô thị không thể chỉ là quảng cáo, bandrole, cờ hoa... mà nó gắn liền với các hoạt động sống của đô thị với hai khía cạnh: kinh tế và văn hóa. Nói một cách khác, thẩm mỹ trong kiến trúc đô thị có những giá trị thuộc về vật chất (nhà cửa, cơ sở hạ tầng) có những giá trị thuộc tinh thần (lối sống, cách ăn mặc, mưu sinh... ). Như vậy, quan niệm về các yếu tố thẩm mỹ trong kiến trúc đô thị là một quan niệm mang tính tổng quát, nó gắn liền với sự phát triển xã hội như là một hệ thống toàn vẹn, trong đó mỗi yếu tố luôn thích ứng với nhau và thúc đẩy toàn bộ cuộc sống đô thị đi lên.

Xét trên nguyên tắc, trong kiến trúc đẹp là cái có ích, một kiến trúc đẹp là một kiến trúc thuận tiện, tương ứng với chức năng của nó. Những tồn tại trong kiến trúc đô thị được đặt ra chính là những bất cập giữa cái thẩm mỹ và cái có ích. Vì thế, thẩm mỹ của kiến trúc tự nó cũng gắn liền với cái có ích, đồng thời sự thống nhất cụ thể các mặt có ích và thẩm mỹ của các công trình kiến trúc cho phép tạo nên đặc trưng không gian đô thị. Lịch sử đã chứng minh quá trình tiến triển của xã hội loài người, từ kiến trúc nguyên thủy đến hiện đại, mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ có những đặc điểm riêng biệt. Mặc dầu từng bước xu hướng kỹ thuật mới hình thành, kiến trúc cũng thay đổi với nhiều kiểu dáng phong phú, các giải pháp mang tính kỹ thuật cao, nhưng khát vọng vươn tới cái "đẹp của con người thì không thay đổi.

Vấn để thẩm mỹ trong kiến trúc đô thị sẽ còn là vấn đề rất hấp dẫn, nhiều công trình nghiên cứu cho đến ngày nay đều thống nhất các yếu tố thẩm mỹ luôn gắn liền với kiến trúc đô thị như là một thực thể không tách rời. Ai cũng có thể đồng ý rằng, cái đẹp ở kiến trúc không chỉ là những hình khối vươn cao, trải rộng, lại càng không phải là một hệ thống các khối hình được phủ màu, mà nó phản ánh diện mạo của một nền văn minh, rộng hơn là một nền văn hóa. Và có lẽ, vai trò của các yếu tố thẩm mỹ trong kiến trúc đô thị luôn là hiện thân giá trị cái đẹp.